8 tháng 8, 2013

NGƯỜI ĐÁNG ĐƯỢC VÀO Ghi - nét


Hà Nhân 
(Báo Hà Nội mới Cuối Tuần, ngày 31/5/2008)

“…Nguyễn Thái Sơn là người trẻ tuổi nhất của nước ta từ trước đến nay đoạt giải thưởng thơ của tuần báo Văn Nghệ và rất đáng được vào Ghi - nét Việt Nam. Ngay từ khi còn học Cấp Ba, Nguyễn Thái Sơn đã thành danh rồi…”
_____________________

Sau 12 năm, nhà thơ Nguyễn Thái Sơn mới in tập thơ nữa qua Nhà xuất bản Quân đội nhân dân vào cuối năm ngoái. Tập thơ mang một cái tên khá ấn tượng: “Tên rơi trước mặt”. Tập thơ có những câu thơ rất dễ thương viết về những người lính trẻ đi dọc Trường Sơn một thuở:
   “Một thời chiến tranh mấy thời thiếu đói/ Mười bảy tuổi hành quân dọc Trường Sơn/ Dép rộng rút quai, quần dài xén ống/ những người lính vừa đi vừa lớn…” có cả những câu thơ thật thi sĩ đầy tiếc nuối:
   “Các em cứ hồn nhiên, hồn nhiên đến vô tâm/ Ta cũng từng hồn nhiên, từng vô tâm như thế/ Muốn đổi mười năm lấy một ngày tươi trẻ/ Dầu đầy ắp trong phao bấc đừng nỡ lụi tàn…” và còn có cả những câu thơ luôn đau đáu về một thời hoa lửa nữa:
   “Hải Vân rừng bên này/ Hải Vân biển bên kia/ Những toa tàu nghiêng phía Hải Vân Đông - khách say mê ngắm biển/ Núi xanh thẳm bạt ngàn hoa sim tím/ Được mấy người còn nhớ Hải Vân Tây!...”.
   Cách đây không lâu tôi gặp tôi Nguyễn Thái Sơn tại Hà Nội. Ông vui vẻ cho biết: “Từ ngày nghỉ hưu, tôi càng có điều kiện đi đây đi đó để viết…Hiện tôi ở Sài Gòn và năm nào cũng đến Tây Nguyên, ra Hà Nội, lên Tây Bắc dăm tháng…Với tôi, cái sự viết đã ăn vào máu rồi. Không đi, không viết là không chịu nổi”.
   Nhà thơ Nguyễn Tùng Linh nhắc lại: “Nguyễn Thái Sơn là người trẻ tuổi nhất của nước ta từ trước đến nay đoạt giải thưởng thơ của tuần báo Văn Nghệ và rất đáng được vào Ghi - nét Việt Nam. Ngay từ khi còn học Cấp Ba (Trung học Phổ thông - Mai Thanh chú thích), Nguyễn Thái Sơn đã thành danh rồi. Mới đấy mà đã bốn mươi mấy năm rồi…”.
   Về nhà, mở cuốn “Giải nhất văn chương” mục Thi thơ văn 1965 do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1998 nhân kỉ niệm Báo Văn Nghệ 50 tuổi, tôi bắt gặp những dòng chữ:
   “Thi Thơ Văn 1965, phần văn không có Giải Nhất; giải nhì: Vương Lan, Dương Thị Xuân Quý; giải ba: Mai Văn Tạo, Nguyễn Thị Ngọc Tú, Tào Mạt và Hoài Giao, Trần Tự và phần thơ: Không có giải nhất; giải nhì: Văn Thảo Nguyên, Thái Giang, Mai Thanh Chương; giải ba: Hoàng Hưng, Nguyễn Thái Sơn”.
  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng nhận xét của bạn