Trong Tạp chí Thơ - Hội Nhà Văn Việt Nam, số 10-2012,
tác giả Phạm Thức (PT) đã làm một “cuộc cách mạng” trong việc hiểu và dịch bài
thơ “Lương Châu từ” của Vương Hàn, nguyên văn Hán-Việt :
Bồ đào mỹ tửu
dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà
mã thượng thôi.
Túy ngọa sa
trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh
chiến kỷ nhân hồi.
Với lòng yêu bài thơ và yêu tác giả PT, chúng tôi muốn
góp thêm đôi điều về nguồn gốc sự sai lầm, hậu quả sự sai lầm và cũng muốn bàn
thêm về bản dịch nghĩa và dịch thơ của chính PT.
Theo tác giả PT, lý do chính trong việc hiểu và dịch
sai: do từ mã thượng dịch sai là lên ngựa. Nếu dịch đúng thì mã thượng phải là ngay lập tức. Giải thích này đúng với hầu hết các bản dịch trước
đây. Nhưng cũng có những bản dịch (như bản của Trần Quang Trân trong “Thơ Đường”
tập 1, NXB Văn Hóa - Viện Văn Học - 1962) dịch mã thượng là trên (lưng) ngựa.
Nếu hiểu sai mã thượng là trên lưng ngựa thì nghĩa từ này rất phụ,
nên khi dịch thơ có thể bỏ qua và như vậy cũng không dẫn đến sai lầm nghiêm trọng
khi dịch câu thơ thứ hai, làm ảnh hưởng bản dịch cả bài.
Theo ý chúng tôi, lý do chính dẫn đến hiểu sai ý câu
thứ hai là cụm từ tỳ bà (…) thôi chứ
không phải ở từ mã thượng.
Tất cả các bản dịch trước đây đều dịch đúng ngữ pháp,
nhưng lại sai với ý tác giả. Tỳ bà (…)
thôi dịch là tiếng đàn (…) thúc giục là
đúng. Nhưng thúc giục làm gì thì lại hiểu sai. Đáng lẽ phải là thúc giục uống rượu thì lại hiểu sai là thúc giục không uống rượu (để ra đi). Dịch
sai như vậy dẫn bài thơ đến tình trạng “đầu Ngô mình Sở” : câu thứ hai nói người
lính không được uống rượu. Sang câu thứ ba lại nói người lính say túy lúy. Điều
đó trái với “nguyên tắc” làm thơ của các cụ ngày xưa là câu trước phải gợi mở
phải dẫn dắt đến câu sau. Tôi sực nhớ có lần nhà thơ Vương Trọng tấm tắc khen mấy
câu Kiều của Nguyễn Du :
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
Anh nói với tôi rằng muốn ngắm hoa tươi ở sau thì phải
dọn tan sương mù ở trước, và câu trên vén mây giữa trời thì câu dưới mới thấy vằng
vặc vầng trăng…
Trong bài thơ “Lương Châu từ”, nếu dịch đúng, “nguyên
tắc” trên còn được Vương Hàn thể hiện ráo riết hơn: câu đầu có rượu ngon, chén
tốt dẫn đến câu thứ hai: muốn uống, lại có đàn vui nên uống nhiều. Câu thứ hai
có uống nhiều dẫn đến câu thứ ba có say nghiêng ngửa và muốn mọi người đừng cười.
Tại sao đừng cười thì đọc tiếp câu thứ tư sẽ rõ.
Sức nặng lớn của bài thơ là ở câu cuối : Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi. Câu thơ
là một kết luận thống kê cực kỳ chính xác về khoa học và hết sức súc tích về
triết lý. Nó tỏa hào quang lên toàn bài. Với từ trường phản - chiến của câu này
làm lệch sai mọi cần ăng-ten của các dịch giả cao thủ nhất. Mọi câu thơ đều bị
hiểu theo chiều phản - chiến. Hai câu đầu được hiểu là nói về nỗi khổ của người
lính : rượu ngon (toàn loại Hennessy - XO hay Chivas 21 cả) ly chén đẹp (pha lê
Tiệp, chí ít cũng là Minh Long xuất khẩu). Vậy mà vừa định uống đã phải nhịn
thèm, bỏ lại để hành quân ra trận! (Quả là tội nghiệp!). Do hiểu sai câu thứ
hai, kéo theo nhiều điều mà PT đã dẫn ra : các
ông tướng lính lại chơi đàn của các bà, đánh đàn trên lưng ngựa, dùng tiếng đàn
để truyền lệnh quân…toàn là chuyện kỳ dị. Nhưng thiệt hại chính là làm cho
bài thơ dịch trở nên “ông chẳng, bà chuộc” mất hết sự liên hệ logic của các câu
thơ.
Nhưng, vậy sao mọi người vẫn yêu, vẫn thuộc bài thơ? Ấy
là bởi: trọng lượng câu thơ cuối quá lớn làm người ta chẳng còn mấy quan tâm đến
các câu khác. Thực ra, nếu bỏ hai câu đầu, chỉ giữ lại hai câu sau đã là một
bài thơ hoàn chỉnh, tuyệt cú. Thậm chí rất nhiều người chỉ thuộc có một câu cuối
và cũng rất tâm đắc.
Bây giờ xin bàn đến việc dịch nghĩa và dịch thơ của
PT.
PT tách câu thơ thứ hai thành hai vế.
Vế thứ nhất : Dục
ẩm tỳ bà và dịch : muốn uống rượu và nghe đàn tỳ bà.
Vế thứ hai : Mã
thượng thôi và dịch : hãy uống ngay đi.
Tách và dịch như vậy, theo chúng tôi là không đúng, có
nhiều sự hiểu lầm. Tách hai vế là đúng vì có hai động từ: ẩm và thôi. Nhưng tỳ bà là chủ ngữ của thôi chứ không phải tân ngữ của ẩm. Mã
thượng bổ nghĩa cho thôi chứ
không phải bổ nghĩa cho ẩm nên không
thể dịch là uống ngay đi.
Theo chúng tôi, tách đúng phải là :
Vế thứ nhất: (Binh
sĩ) dục ẩm - người lính muốn uống rượu
Vế thứ hai: Tỳ
bà (thượng mã) thôi - tiếng đàn thúc giục người lính uống rượu
Còn mã thượng thì
dịch làm sao : mã thượng là ngay tập
tức, cũng có thể là ngay tắp lự, ngay tức khắc, vội vã, gấp gáp, cấp tốc, khẩn
cấp…Tùy động từ nó bổ nghĩa mà chọn cho thích hợp. Ngã mã thượng đáo thì dịch tôi
lập tức đến. Nhưng tỳ bà thượng mã
thôi thì không thể dịch tỳ bà lập tức
thúc giục. Đi với tiếng đàn, mã thượng
phải là vồi vội, dồn dập, ào ạt, réo rắt…
Để giải thích cho bài thơ của Vương Hàn, các tác giả
Trung Quốc: Lưu Á Linh, Điền Quân, Vương Hồng có viết (đã được PT trích dẫn
trong bài viết của mình) : rượu ngon, chén tốt, lại nghe tiếng nhạc tỳ
bà réo rắt, êm tai, thúc binh sĩ uống cạn rượu quý này. Tôi ngờ rằng
chính các tác giả này đã lấy réo rắt để
thay cho từ mã thượng. Và vì vậy,
theo ý chúng tôi, có thể lấy bản dịch (của PT?) lời giải thích in đậm trên để
làm bản dịch nghĩa cho hai câu thơ đầu của bài thơ một cách khá hoàn chỉnh.
Nếu tách câu thơ thứ hai theo cách của PT thì vế thứ
hai: mã thượng thôi “bất thành cú”
còn vế thứ nhất: Dục ẩm tỳ bà “thành
cú” nhưng “bất thành nghĩa”. Dục ẩm tỳ bà là vô nghĩa. Nếu cứ suy diễn, dịch lấy
được là uống rượu và nghe đàn thì có
nghĩa, nhưng nghĩa không hay, không đúng ngữ pháp và sai ý tác giả. Vì như vậy
là đặt đàn và rượu ngang nhau. PT còn liên hệ cả đến thú “uống rượu và nghe đàn tỳ
bà” hay “uống rượu và gật gù nghe ca trù” e còn tệ hại hơn. Vì rượu còn bị đẩy xuống hàng thứ yếu.
Trong khi ở bài thơ, yếu tố quan trọng nhất, thực ra phải duy nhất là RƯỢU.
“Thương hiệu” của rượu, sự trang trọng của ly chén và cả tiếng đàn vui đều là
các nhân tố tác động, thúc đẩy việc uống rượu (cứ xem lại lời giải thích in đậm
ở trên thì rõ).
Tóm lại, nếu dịch nghĩa như PT thì sai ngữ pháp và sai
ý chung của bài thơ.
Xét sang câu thơ dịch : Dục ẩm tỳ bà mã thượng thôi dịch là : Muốn uống cùng đàn, uống ngay đi.
Về mặt ý nghĩa câu này dịch sai như đã phân tích ở
trên. Do hạn chế về số chữ trong câu thơ, có thể còn dẫn đến những hiểu sai : uống cùng đàn tức là người và đàn cùng uống.
Kỳ cục hơn có thể hiểu: nhắm rượu với đàn giống như uống bia với thịt chó.
Về mặt thơ : đây là một câu thơ thất luật (do chữ thứ
sáu có vần bằng). Nếu đem “dán” vào bài sẽ thất niêm. Về vận thì ê vần với i :i - ê - i - a xem ra
cũng hơi ngọng nghịu. Tóm lại, cả ba yếu tố của thơ tứ tuyệt Đường luật: niêm,
luật, vận đều không được. Mà nói thực: muốn
uống cùng đàn uống ngay đi chưa phải là một câu thơ.
Nhân đây, chúng tôi cũng xin nêu vài cách dịch câu thứ
hai để các bạn có quan tâm cùng bàn bạc.
Câu thứ hai có thể dịch: Muốn uống, đàn xui uống thỏa thuê
Thực ra, từ muốn
uống đã quá rõ nghĩa trong văn cảnh nên có thể bỏ đi. Và mã thượng đi với tiếng đàn xem là réo rắt, thì có thể dịch thoáng hơn: Réo rắt đàn mời uống thỏa thuê
Có thể nói sau cuộc “cách mạng” mà PT đã làm, việc dịch
bài thơ cho đúng không còn là việc khó. Hơn nữa, khi đã nắm được ý tứ của tác
giả, thần thái của câu thơ, để câu thơ dịch được mềm mại, không khiên cưỡng, ta
không nhất thiết phải dịch hết mọi từ ngữ trong nguyên bản. Bản dịch bài thơ có
thể là :
Bồ đào rượu quý, chén pha lê
Réo rắt đàn vui, uống thỏa thuê
Nghiêng ngả sa trường xin chớ giễu
Xưa
nay chinh chiến mấy ai về
Còn muốn cho có vần 100% không sai một jem nào thì :
Bồ đào rượu quý, chén pha lê
Réo rắt tỳ bà lại rủ rê
Nghiêng ngả sa trường xin chớ giễu
Xưa
nay chinh chiến mấy ai về
Dịch thoáng như vậy, nghe tự nhiên. Vần điệu cũng khá chỉn chu. So với
đọc nguyên bản âm Hán - Việt thì cũng bị mất mát không quá nhiều.
Tháng 12-2012
_______________
Địa
chỉ :
Đặng
Hấn
39/2
Đường Trục, P.13, Q.Bình Thạnh, TP. HCM
Điện
thoại : 0933 168 278
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét của bạn