8 tháng 12, 2012

CHIẾN TRANH, CHÍN KHÚC TƯỞNG NIỆM - Ngô Thị Kim Cúc viết:

























Đó là một phần nhật ký chiến trường, là khúc gọi hồn, 
của một cựu binh gửi đến những người lính cùng thế hệ đã ngã xuống.
ĐÃ BA MƯƠI LĂM năm hòa bình, anh lính tuổi hai mươi ngày ấy giờ đã sáu mươi, và đã sợ rằng nếu không bộc bạch thì e không còn kịp... Chín khúc tưởng niệm, nhưng thực ra chỉ có một cung: cung trầm, tiếc thương về những mất mát, chết chóc theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Sự phân ly cha mẹ - con, người yêu - người yêu. Chiến cuộc trên mặt đất - trong lòng người. Những kìm nén - những khao khát. Cái chết - nơi gặp gỡ cuối cùng.
Biên cương là chương đầu tiên, vì người lính ra đi chính là để bảo vệ biên cương: “hổ thẹn với tiền nhân/mang tội với muôn đời sau/nếu để giặc chiếm/dù chỉ vũng nước trâu đầm/gốc cây/bờ ruộng” (Biên thùy). Những chàng trai ra đi, để lại gì sau lưng mình? Cái gì khiến họ cứ phải nặng lòng như thế? “Những năm chó Laika đã bay vào vũ trụ/người quê tôi đau bụng cũng chỉ nuốt gừng/nhức đầu xông ngải cứu cúc tần/bong gân quệt vôi/dập xương bó lá/thầy giáo thu học phí bằng mủng khoai sọ mảnh vải diềm bâu xâu cá... tháng tám dốc bồ/ngày ba giáp hạt/khói chỉ bay loãng tuếch trên mái bếp cuối ngày” (Hình như ai cũng khổ). “Kháng chiến trường kỳ/chiến trận liên miên/đời cha đuổi giặc chưa xong/đời con đánh tiếp” (Lính nông dân). “gặp gỡ/làm quen/yêu/cưới “tập đoàn”/chỉ có mấy ngày trời/rồi xa nhau người ra trận hẹn về/người hậu phương hứa đợi/mười chín năm con gái/làm đàn bà hai đêm” (Hòa bình và Chiến tranh - Những đứa con không thể tượng hình).
Khi người lính tự nói về mình, anh sẽ nói đúng những gì mà người lính đã trải nghiệm bằng chính mạng sống mình. Chiến tranh - Cái chết. Đó là điều không thể khác. Chính vì thế mà kẻ gây chiến luôn bị lên án. “Chúng tôi sống bình thường rồi chết/chưa xấu cũng chưa kịp tốt/không thành ma quỷ chẳng hóa thánh thần... tụ tán trên tàng cây ngọn cỏ/ẩn trong giọt sương tiêu dao trên sóng... ngồi bông bênh trên ngọn khói rơm/bay lượn quanh nhà/nấp sau cánh hoa lan hoa huệ” (Chết trẻ - Linh hồn).
Chiến trường là thế. Những chiến trường lừng danh khắp thế giới, mà cái tên đã trở thành biểu tượng của lửa máu ác liệt:“đất ở Cổ Thành nặng nhất hành tinh/mặn nhất hành tinh/màu mỡ nhất hành tinh/óng mượt cỏ xanh/xanh đến đáng ngờ... những sinh viên đại học mười tám hai mươi/tay chân đang dài thịt xương còn lớn/khi chết/thân không vẩy rượu/xác không lèn lá thuốc chè khô/không sô trắng trùm đầu không vải dày khâm liệm” (Cung Xê - Nghĩa địa không mồ).
Còn ở hậu phương? Những người cha người mẹ không ra trận, nhưng: “con tôi/con của bao người/bom xé ngực/đạn tiện rời chân tay/máu đọng vũng đầm cây đẫm cỏ/máu tuôn trào sũng đỏ bông băng/chưa thành tre mới qua măng/lưỡi hái Thần Chết xén phăng một đời... lá non gió dữ cuốn đi/lá già run rẩy/còn gì rừng xanh” (Cung Líu - Khúc ngâm của người mẹ có con tử trận)...
Điều lạ là, dù nói rất nhiều về mất mát, trường ca của Nguyễn Thái Sơn vẫn không hề bi lụy. Nó chỉ giúp những người ở hậu phương biết được một phần những sự thực chiến hào, giúp những người thế hệ sau hiểu rằng, cái giá để có được hòa bình là rất đắt. Nó sẽ khiến mỗi người trong chúng ta biết yêu quý từng ngày sống hôm nay, và biết nghĩ về tất cả những người đã ra đi, như tác giả đã ghi ở ngay trang đầu: Tưởng niệm anh linh những người Việt đã bỏ mình vì chiến tranh ở thế kỷ hai mươi. 
_________


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng nhận xét của bạn