22 tháng 12, 2012

Kỉ niệm với Phạm Lê và Nguyễn Thái Sơn

LƯU QUỐC HOÀ người Phủ Lý mình, ít tuổi hơn nhưng làm Oét làm Lốc trước mình những mấy năm. Trong lĩnh vực này hắn là anh, mình vui vẻ…đi sau về muộn.                                                                                               
Cũng vẫn có chút an ủi vớt vát, rằng, “vi tính oét oeo lốc leo chẳng là cái đinh gì”, nên có những nhà văn nổi tiếng “gấp một triệu lần hơn” cái không nổi tiếng của mình, đã không thèm quan tâm đến, ngay “gài tên” trên điện thoại giắt cạp quần cũng “không cần” biết, gọi điện thoại cho ông ấy, nghe hỏi “ai gọi đấy”. Lúc sau gọi tiếp. Lại “ai đấy”. Nhờ ông ấy cho biết số điện thoại của con giai cũng của ông, ông bảo mình “chờ máy” đến hơn mười phút để “xem lại trong quyển sổ danh bạ. Hì hì…Mấy ngày trước Hoà gửi qua Phạm Lê bài với ảnh cho trang “lốc” mới toe “vừa làm vừa run” này, mình mừng như vớ được vàng, nhưng cứ phân vân chưa dám “bắn” lên, vì được “hắn” khen khá nhiều, sướng thích nhưng cứ…mắc cỡ thế nào ấy, mà “sửa”, thêm bớt văn của cộng tác viên thì mình đâu có dám. 
Thôi thì cứ "tung" lên...Trời (sóng) vậy.

Lưu Quốc Hoà  
bài & ảnh

Nhân một sự kiện, tôi đăng tải Trường ca “Những vì sao không tắt” , tôi nhận được cuộc điện thoại của NTS từ thành phố Hồ Chí Minh. Chiều nay tôi lại đột ngột nhận được cuộc điện thoại: “Mình vừa bay ra, đang ngồi với Phạm Lê tại quán bia Hà Nam” (riêng chỗ ni LQ Hoà nhớ lộn, mình chỉ “ngồi ra” chứ không “bay ra”, vì bao giờ cũng đi xe lửa Bắc Nam chứ không ngồi phi cơ Nam Bắc vòng ra biển Đông). Cuộc gặp gỡ bất ưng giữa tôi và hai nhà thơ “đặc lính” đã để lại trong tôi những ấn tượng tốt đẹp. Là lứa sinh ra sau chiến tranh chống Pháp, tham gia chiến tranh chống Mỹ theo kiểu cưỡi ngựa xem hoa, tôi vẫn thầm thán phục thế hệ các anh, những người trực tiếp là lính chiến, những văn nghệ sĩ mặc áo lính mà những sáng tác của các anh đều vọng ra từ bom đạn, họ không có nỗi buồn ông cụ non như lứa viết trẻ tụi tôi sau này. Trang sáng tác của các bậc anh chị tôi là một màu hồng, tưng bừng ngợi ca cuộc chiến đấu Vệ quốc. Con người ấy đang ngồi trước mặt tôi, bằng xương bằng thịt, bằng những kỷ niệm với đồng đội, nhất là đồng đội VNS người Hà Nam một thời cùng nhau trận mạc như Đằo Thắng, Trần Quốc Thực..., những thiếu uý, trung uý và những giai thoại đời tư bi tráng…

Phạm Lê, anh cả của chúng tôi trong Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nam đã có tập in chung với Phạm Tiến Duật. Có tập "Với em chiều heo may" đang được dư luận bạn đọc đánh giá cao về giá trị thi ca đương đại, bây giờ vẫn là cây bút Thơ chủ lực của Bộ môn Thơ. Anh giản dị và khiêm nhường, khuất mình trong những tên tuổi và cần cù sáng tác. Anh thâm thuý với những tứ thơ mang tính phản biện để nói với cuộc đời, nói ngay với mảnh đất của mình đang vật vã sau đổi mới và hội nhập. Phạm Lê vừa có bài thơ mang nặng nỗi niềm của nông dân mất đất. Anh ví họ như những bụi cỏ may “Phận xác sơ lại tìm nơi xơ xác” dưới nền đá mạt của những dự án treo, vừa treo đất, vừa treo phận người vào những nghịch cảnh đời sống. 

Tôi ngắm hai bậc đàn anh của tôi mà thấy lòng trào lên một nỗi niềm khôn tả: Nguyễn Thái Sơn với những vết sẹo chiến tranh tìm thấy nhan nhản trên cơ thể, Trên bộ khung vầm vạp trời cho, chiến tranh đã để lại những vết sẹo nhằng nhịt , vá víu bằng những cuộc phẫu thuật cấp tốc của các trạm quân y tiền phương. Các anh là những văn nghệ sĩ đang chống lại tuổi tác, quyết liệt chống lại số phận và dành quỹ thời gian hạn hẹp của cuộc đời mà sáng tác…Các anh vừa là Chứng nhân vừa là Nạn nhân của chiến tranh và của những ý tưởng tốt đẹp. Hai “anh già” nhuộm tóc đen để tự huyễn mình còn trẻ mà đi cùng với cuộc sống. Đau cái đau chung, tiếc cái tiếc chung, giận cái giận chung đã từng nếm trải. Lăng kính phản biện cuộc sống của họ với thời cuộc không hề định kiến và bàng quan bởi những người tham chiến hôm xưa. Họ vẫn đau đáu nhìn lại mình, nhìn lại đồng đội mình, đất nước mình đang tồn tại và phát triển ra sao sau những hy sinh mất mát do mấy cuộc chiến tranh hao người tốn của để lại.


Cho đến nay, Nguyễn Thái Sơn vẫn là người duy nhất được Giải thưởng Thơ của Tuần báo Văn nghệ - Hội Nhà văn Việt Nam khi còn là học trò lớp 10 tại Trường cấp Ba Bình Lục, Hà Nam (Giải Ba - cuộc thi năm 1965 không có Giải Nhất), và đã gác bút cầm súng từ năm 1965 để vào chiến trường, vừa làm lính vừa viết, ít nhiều có những trải nghiệm để sáng tác. Anh vừa cho ra đời tập Trường ca “Chiến tranh - Chín khúc tưởng niệm”,  về quê tặng Phạm Lê và tôi tập sách này. Tôi ngó trân trân vào dòng chữ đặt trịnh trọng đầu tác phẩm "Tưởng niệm Hương hồn những Người đã chết và chịu nhiều khổ nạn trong Chiến tranh Việt Nam" và hiểu rằng tác giả đã viết gì trong đó.

Chiến tranh qua rồi, một thuở người chết như ngả rạ tạm qua rồi. Cả hai phe cũng phờ phạc buông vũ khí, thở giấc mà nhìn nhau, chỉ tay chỉ chân mạt sát, đay nghiến nhau chán lại bắt tay nhau. Kẻ thắng người bại đã phân định rõ ràng. Suy cho cùng thì nhân dân hai phe đều bị thất bại: mất chồng con, nhà cửa, mất yên ổn tứ bề. Người lính tham chiến bước khỏi cuộc chiến như một lữ khách mỏi mệt ngồi nhìn lại con đường thiên lý mà mình và đồng đội cùng đất nước đi qua chắc sẽ có một cái nhìn công bằng về sự hy sinh của cả hai phía. Ai là những NGƯỜI VIỆT ĐÃ BỎ MÌNH vì những điều lẽ ra không đáng có. Chiến tranh dù dưới màu sắc nào cũng là điều không hay ho gì. Tôi tin dòng chữ của Tác giả muốn nhắc ta như thế.

Dưới chiều tà của một ngày đầu đông, tôi ngắm hai người anh của tôi đang lẩn nhẩn ăn lạc luộc, lóc róc bẻ bánh đa vừng. Cái mái tóc được phủ màu đen của thuốc nhuộm, nhưng phía chân tóc đang ló ra màu trắng cố hữu của tuổi tác và kế màu trắng rất thật ấy là cái úa của phần tóc đang phai hóa chất. Nó làm mái tóc của các anh nhốm nhoám như bó chân nhang đang cháy dở trên đầu. Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn nắm tay tôi rất chặt khi chia tay:

- Mình ít nhiều thấy nhẹ lòng khi viết xong tập Trường ca này. Không viết được mình như mắc nợ với cuộc đời. Về quê lần này mình chỉ đem theo 3 quyển để tặng 3 người. . .sẽ ra Quảng Ninh tìm Dương Phượng Toại. Ông ấy là tay là tay văn sĩ thanh bần nhưng khẩu khí và tính cách thật đáng nể trọng...  

Anh nhập vào dòng người đang trôi trên đường phố ngày chủ nhật. Cái ba lô thời @ đã thay cái ba lô lính, đôi dày lười không tất, cái dáng đi lao đầu về phía trước cầm cụi. 

Các anh vẫn như người lính đi giữa đời thường đầy giông bão …
               
Viết tại Phủ Lý đêm 1/11/ 2009


















                                                                                                            





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng nhận xét của bạn