Nhà thơ HOÀI ANH (1938 - 2011)
cưỡi ngựa xem Tên rơi trước mặt
Tập thơ của Nguyễn Thái Sơn
Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, phát hành cuối năm 2007.
Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân, phát hành cuối năm 2007.
Anh bộ đội thời chống Mỹ phần đông có học có trí tuệ, nhiều người trong họ đã
được đọc thơ kháng chiến Pháp của Eáluard, Aragon...Nguyễn Thái Sơn ở trong số
ít các nhà thơ trực tiếp cầm súng chiến đấu chứ không chỉ chạy vòng ngoài phục
vụ chiến đấu, nên anh không khai thác sinh hoạt đời thường để làm những bài thơ
lính "đùa vui tếu táo", cũng không sa vào tình cảm tiểu tư sản để thi
vị lãng mạn hóa chiến tranh, mà nhìn thẳng vào sự thật để nói lên những tàn
khốc của cuộc chiến. Sự tàn khốc đó không được phản ảnh qua cái nhìn tàn nhẫn
lạnh lùng như một vài cây bút văn xuôi xu thời, mà được thể hiện quyết liệt
nhưng không trần trụi. Chưa đủ tuổi đã phải ra trận: “dép rộng rút quai, quần
dài xén ống / những người lính vừa đi vừa lớn..” (Trận giả trận thật) /... “sức
vóc như các anh còn vẹo xiêu sau cơn sốt rét / bao cô gái mềm yếu như em nằm
lại khắp rừng / mưa mục gỗ bia lũ xóa mộ phần” (Kỷ niệm ở rừng). Cái chết đến
bất thần đến mức bộ đội, thanh niên xung phong phải phổ biến cho nhau cái kinh
nghiệm đau lòng này : “ thức ăn gắp trước canh nhạt chan sau / mặc áo mới mỗi
khi lên sạp nứa / chẳng thể tránh thứ bom tọa độ / thường rơi bất thần trong
giấc ngủ bữa ăn ” (Mây trắng). Khốc liệt điển hình đến độ: “suối đổi dòng sau
chùm bom tọa độ / đá thành vôi cây cháy thành than / tìm em sàng đất tìm em lọc
nước / những mảng tóc dính da sợi cháy quăn sợi còn đen mượt .../ chiếc quan
tài nhỏ như hộp thư bưu điện !” ( Bạch Tuyết ở Trường Sơn), “bạn tôi người rụng
cánh tay / người mòn cặp mắt nhìn ngày ra đêm .../ bát ăn thành bát nhang trên
đỉnh gò” (Biên thùy)... “một loạt bom - mộ nằm cùng / một trận đánh - cúng giỗ
chung một ngày !” (Một thời cổ tích). “trước khi bay về Trời / hồn tử sĩ hóa
làn gió dịu lau giọt mồ hôi trên trán cha / lay động dải khăn mẹ” (Đừng quên).
Anh bộ đội trong thơ Nguyễn Thái Sơn không phải là anh bộ đội chung chung mà
được xác định rõ: anh bộ đội quê miền Bắc vào chiến đấu ở miền Nam. Tình cảm
của anh gắn bó chặt chẽ với quê hương: “Thương nhớ khôn nguôi xứ Bắc cội rễ bao
đời / nơi những mảnh đồng nát còn hằn vết móng tay cậy cháy cơm khoai / còn đâu
đó chiếc niêu đất đựng cuống nhau cha vùi trong bụi tre gai .../ khi đã thỏa
thuê gió bấc mưa phùn mắm cua nước vối / có những đêm áo nhàu khuy đứt / ta lại
nhớ thương nắng gió phương Nam”. (Xứ Bắc). “tiền cũ dằn sâu đáy túi / bạc trăm
cuộn giữa bạc nghìn .../ chợ quê ai cũng quen quen” (Chợ quê). “đất nước có một
thời / hình như ai cũng khổ” (Về Bắc)...
Tình yêu của anh bộ đội - nhà thơ ấy không mang tính chất ước lệ, đèm đẹp mà
được cá tính hóa cao độ: “Trăng non vàng nõn cỏ tươi / cầm tay nhau dại cả mười
ngón tay” (Trường huyện vùng chiêm). “người gặp lại người giữa mùa đang vụ /
đằm ngọt nhãn lồng tròn đầy bưởi dọ / rượu cũ sủi tăm cốm mới ngậy hương” (Mùa
thu gặp lại).
Tôi chú ý đến tính điển hình, nhân bản hiếm có của anh bộ đội trong đoạn kết
bài thơ Kỷ niệm ở rừng. Chỉ mới có với nhau “những nụ hôn lính nồng nàn vụng
dại / rồi xa / xa mãi”, cô gái nằm lại ở rừng già, vậy mà, ngày chiến thắng anh
vẫn tìm về quê cô, như một người con rể thực sự lần đầu ra mắt, thật trang
trọng : “buồng cau cột nhiễu điều hũ rượu trùm lụa đỏ / tìm mẹ cha nhận quê
nhận họ / cha mẹ vợi bớt nỗi đau trong lòng / con gái bạc phận đã có người nhận
làm chồng”. Lòng chung thủy này còn vượt cả chàng Kim trong Truyện Kiều ngày trước.
Thú thật, đọc tới đoạn này tôi đã xúc động đến rơi nước mắt, như cũng đã từng
ngẹn ngào khi đọc : “Chàng Kim về đó con thì đi đâu ” của thi hào Nguyễn Du.
Nguyễn Thái Sơn không né tránh, thậm chí còn viết khá nhiều bài thơ về cái
chết. Anh đã từng in gần hai chục bài thơ viết về tử biệt, và ít nhiều bài nào
cũng tạo sự ám ảnh xúc động ngậm ngùi cho người đọc (Lửa diêm, Con tàu vô định,
Thăm mộ chiều cuối năm, Vé khứ hồi… trong tập thơ Vé khứ hồi - 1995 ). Trong
Tên rơi trước mặt, ba bài thơ Gặp nấm mộ người cùng quê ở Tây Nguyên, Nuốt lời
xin lỗi, đặc biệt là bài Mả tù, có thể coi là những bài thơ viết về “cái chết”,
về thân phận, kiếp người tràn đầy tính nhân bản, không dễ gì có thể quên khi đã
gấp lại bìa sách.
Về nghệ thuật, Nguyễn Thái Sơn đã vận dụng cách nói dân gian, sử dụng thành
ngữ, phương ngôn, tục ngữ và thủ pháp của thơ lục bát đến độ tinh luyện, nhuần
nhuyễn : “dỗi hờn - vợ bỏ về quê / xe chiều đứng đợi tàu khuya ngồi chờ / mèo
hen chó đẹn gầy sơ / mướp thui dừa điếc trổ cờ mía non” (Dỗi hờn). Thể hiện sự
hồn nhiên ngây thơ của lớp lính trẻ mười bảy mười tám tuổi đời, vốn là hiện
tượng phổ biến trong cuộc chiến tranh 1954 - 1975, tác giả viết : “sàn sàn một
lứa với nhau / như thóc liền ruộng tựa cau cùng vườn” (Một thời cổ tích). Họ ra
đi từ những vùng quê : “đất cằn thấp cải lép vừng / bùn non trát vách rạ thưng
lợp nhà” (Trường huyện vùng chiêm). Còn đây, những câu thơ về thân phận : “chân
chồn chiều muộn đường xa / ngựa non vặt mạ trâu già nhai rơm” (Độc thoại),
“trăm năm sớm trước muộn sau / rẽ mây cưỡi ngựa tàu cau về Trời...” (Ngựa tàu
cau), “tha hương thân phận như nhau / đá lăn khỏi núi quả cau rã buồng / đời
người như chỉ treo chuông / biết rằng dài ngắn tròn vuông thế nào ” (Gặp nấm mộ
người cùng quê ở Tây Nguyên), rồi “bãi sông thiếu đất thừa trời / góp lâu kín
tổ gom vơi làm đầy / nửa thừng chắp nối nửa dây / mạ già tránh nắng cỏ gầy đợi
mưa” (Bạn thơ nghèo). Có thể coi đây là tục ngữ phong dao thời @: “giật mình,
tóc đã trắng đầu / xác ve tàn vụ thân trâu cuối mùa / thơ in tập mấy ai mua /
in báo thường phải cậy nhờ quen thân” (Bạn thơ nghèo).
Tôi cũng chỉ có thể cùng bạn cưỡi ngựa xem... "Tên rơi… ", bạn đọc có
thể tự tìm thấy những điều mình tâm đắc trong chính tập thơ này …
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5 - 2008
Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 5 - 2008
-
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét của bạn