nguyenthaison
MÌNH LÀM VIỆC ở Nhà Xuất bản Lao động chỉ 15 năm
dưới “bốn đời” giám đốc - không dài không ngắn, chẳng yêu ai quá cũng không
ghét ai đến nỗi “không bao giờ quên”. Những người để lại thiện cảm cho mình không
ít, song ấn tượng sâu đậm hơn cả, có lẽ là có thể là Giám đốc Lê Thanh Tùng,
Phó Giám đốc Trần Dũng, Biên tập viên Tạ Bảo, và một vài người khác chăng…Mình
vẫn còn ân hận vì lần “to tiếng” với anh Tùng ở chân cầu thang, định khi nào
gặp sẽ xin lỗi anh, cho dù anh Tùng càng ngày mình càng cảm thấy đó là một
Người Cao thượng, chắc anh quên điều ấy lâu rồi.
.
.
Tạ Bảo thường bị một vài người gọi là “Bảo Hâm”. Mình không nói ra miệng nhưng
có lúc cũng đã “đồng loã” với những nhận xét ấy. Phải nói ngay rằng, kể cả
những người phong cho Bảo “danh hiệu này”, dường như chẳng ai ghét Tạ Bảo. Dạo
ấy lắm lúc mình bực “hắn” đến…phì cười. Ai đời mình và mọi người đang hân hoan
với chiến thắng “bằng mọi giá” của Đội tuyển Bóng đá nước nhà thì “y” lại thủng
thẳng nhúng nhẳng nói chẳng giống ai “thua có khi lại hay, khỏi biểu tình khỏi
tuần hành ăn mừng khỏi bị chết dăm bảy người vì tai nạn giao thông vì dẵm đạp”,
hoặc “các ông không quan tâm đến những chuyện trọng đại, chỉ để ý đến những
chuyện vớ vẩn”. Gần như trong mọi trường hợp lão này không bao giờ nghĩ giống
nói giống mọi người. Nhiều nhận xét đánh giá về người này người khác trong cơ
quan, đến mấy năm sau mình mới ngộ ra là “hắn” có lý. Chính lão này là người
giải thích cho mình hiểu rằng “tại sao vài tháng nay, kể từ khi anh ở Sàigòn ra
hẳn đây, cơ quan không tổ chức hát ka ra ô kê như trước đây nữa”. Thật thế a?
Chết cười! Văn tài của Bảo hơn rất nhiều người, chẳng hiểu sao vẫn chưa được
kết nạp vào “Hôi nặng…Nhà văn Việt
Nam”. Ở Nhà Xuất bản Lao Động, Tạ Bảo là người luôn có những ý nghĩ lời nói
trái chiều, hay tâm sự và đặc biệt hiểu như đi…xe đạp trong bụng mình. Tiếc
thay buồn thay mình đã từng có (nhiều) lúc không hiểu hết “hắn”. Bao giờ ta gặp
lại nhau, Tạ Bảo ơi…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét của bạn