8 tháng 5, 2013

TẢN MẠN NHỮNG NẺO ĐƯỜNG CAO SU

 Bài ni in trên Trang Web của Ngành Cao Su. 
Được khen phổng mũi nên tui "cọp" về Blog Nhà...



Đoàn văn nghệ sĩ thành phố Hồ Chí Minh đi xâm nhập thực tế sáng tác cho cuộc phát động viết về cao su của Tập đoàn Cao su Việt Nam lần này đã tập hợp được nhiều gương mặt quen thuộc được công chúng trìu mến như: nhạc sĩ Vũ Hoàng, nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, nhà thơ Nguyễn Thái Sơn, nhà thơ trẻ Phan Hoàng v.v…

Tất cả tập trung dưới sự hướng dẫn của nhà báo nhạc sĩ Quỳnh Lệ. Chương trình đi thực tế là 3 ngày bắt đầu từ ngày 8 đến ngày 10/4/2013. Mỗi người mỗi tính cách, dù đã quen hay mới biết qua chuyến đ, họ cũng đã mau chóng xít lại gần nhau tạo ra bầu không khi đầm ấm, vui tươi và thoải mái, lúc thì thu lại trong lòng chuyến xe hành trình, lúc thì mênh mông giữa các nông trường dưới tán cao su mát rượi. Họ ríu rít vào nhau, trao đổi, phỏng vấn nắm bắt thông tin, xâm nhập thực tế, tìm hiểu sâu sắc các quy trình lâm sinh và công nghiệp tạo ra sản phẩm cao su, lắng nghe và cập nhật nhưng gian khó, thăng trầm và đồng thời cũng nhìn nhận sự hoành tráng, trưởng thành của ngành công nghiệp cao su đã có sự đóng góp to lớn cho ngân sách quốc gia và tham gia tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. 
Đoàn đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu, thân tình của các đơn vị mà đoàn đã đến tham quan và nghiên cứu như: Công ty Cao su Phước Hòa, Đồng phú, Dầu Tiếng, Lộc Ninh và nhất là nhận được những tình cảm chứa chan của anh chị em công nhân các nông trường. 
Điều đặc biệt và ấn tượng nhất là các cuộc giao lưu đều diễn ra ở các nông trường, những tiếng hát, lời thơ được
ngân vang chuyển tải những thông điệp yêu thương giữa đại ngàn cao su yên lặng… Nhạc sĩ Vũ Hoàng có dịp để cho lực lượng công chúng – fan hâm mộ của anh, nhất là các bạn trẻ – “đối diện trực tiếp” bày tỏ niềm yêu mến. Nhạc sĩ Vũ Hoàng đã hát nhiều và hát hết mình với công nhân, hát song ca với các cô gái trẻ. Ấn tượng nhất là đêm giao lưu tại Nông trường Trần Văn Lưu – anh đang say sưa hợp ca với nhiều thiếu nữ bài “Phượng Hồng” do anh sáng tác, bỗng đâu một tia chớp đèn flash làm anh lóa mắt… rồi anh “nhạy cảm” chạy xuống bàn mời một người phụ nữ lên cùng hát… đó là bà xã của anh – nghệ sĩ Thùy Chinh. Và giữa lúc khán giả bâng khuâng, chị đã nhanh chóng lắp khoảng trống bằng một bài ca “Dạ cổ hoài lang” mượt mà… Nhạc sĩ Vũ Hoàng thật hạnh phúc. 
Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn thì luôn lơ mơ, phảng phất nhẹ nhàng cái hương thơ, ít nói, hay cười nửa miệng nhưng
chắc nhiều đọc giả đã biết anh là tác giả của bài thơ hay “Thăm mộ chiều cuối năm” viết cho các liệt sĩ. Với thân hình cao to (cân nặng 80kg) anh cố lẫn trong đêm giao lưu ở nông trường Thuận Phú – Đồng Phú để được “bình yên”, nhưng rồi bị đôi mắt của một phụ nữ trẻ phát hiện và tiếp cận. Cô đến chúc anh những lời quyến luyến cùng ly rượu tràn đầy, anh không thể nào từ chối nên đã… say men hạnh phúc. Anh trông bề ngoài có vẻ ít nói nhưng gần gũi anh sẽ nhận ra nhiều điều mới lạ. Có một điều lý thú mà tôi phát hiện được ở anh Sơn là một lần trong phòng nghỉ tôi nghe một giọng ô-pê-ra truyền cảm vang lên đâu đó, tìm mãi mới biết đó là giọng hát của anh vang lên từ phòng tắm. Cứ tưởng anh “chuẩn bị tập dợt cho buổi giao lưu” nhưng không phải vậy, anh đã từng bị thương thời đi bộ đội nên mỗi ngày ở nhà anh vẫn tập cho cái phổi như thế. Anh bảo vào phòng tắm hát khỏi làm phiền người khác. Và trong đêm giao lưu tại Nông trường Trần Văn Lưu, anh đã hát thật truyền cảm bài Tình Ca của nhạc sĩ Hoàng Việt. 
Riêng nhạc sĩ Phạm Đăng Khương, không chỉ viết nhạc mà anh còn có nghề quay phim, đạo diễn ca nhạc. Nhân chuyến đi về vừng cao su, anh cũng muốn có thật nhiều tư liệu hình ảnh về ngành cao su nên anh ân cần quay, mọi lúc mọi nơi. Trong đêm giao lưu ở Dầu Tiếng, anh đã để lại ấn tượng bất ngờ với công nhân bằng một ca khúc rất quen thuộc của chính anh “Một chiều đi trên con đường này hoa điệp vàng trải dưới chân tôi ngập ngừng trong tôi như thầm hỏi đường về trường ôi sao lạ quá”. Và trong hoạt cảnh anh đi xe đạp chở cô gái đẹp mặc bà ba rất dễ thương – là cô MC của chương trình, tên Trang – nhưng mọi người thắc mắc không hiểu tại sao đi “xe độp” mà anh  lại đội mũ bảo hiểm nghiêm túc đến thế? Hỏi ra mới biết ông xã của Trang MC là cảnh sát giao thông tại huyện nhà. 
Nhà văn Đại tá quân đội Đỗ Viết Nghiệm là một người trầm tư, có lẽ anh muốn viết về sự bắt đầu gian khó của cao su và cuộc gặp gỡ của cây cao su với miền Đông Nam bộ đã diễn ra trong thời kỳ máu lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp mà dân tộc Việt Nam đã chịu đựng hơn 100 năm. Anh như con ong cần cù ghi chép những tư liệu và con số. Có một chi tiết làm người trong đoàn không thể nhịn cười là anh cũng cẩn thận ghi chép toa thuốc bổ thận… của một người Dầu Tiếng ái mộ đã bày tặng.
 Nhà thơ Phan Hoàng – trẻ tuổi đẹp giai nhất đoàn thì quá hạnh phúc khi được sa vào giữa những bàn giao lưu có nhiều cô công nhân trẻ đẹp và những chàng trai chiến sĩ thi đua tuấn tú. Phải say khướt vậy là đọc thơ nửa chừng. Thế nhưng khi về phòng anh đã sôi nổi trên bàn phím gõ liên tục để viết cho kịp chuyến đi… Hình như con tằm Phan Hoàng đã thực sự rút ruột nhã tơ, mắc kén vào cành lá cao su Đông Nam Bộ. Nhà thơ Thanh Yến cũng đã có nhiều chuyến đi sáng tác, chị chưa bao giờ vui như chuyến đi này, chị trẻ lại với thời nữ sinh Gia Long của Sài Gòn xưa với giọng ca mềm mại và những câu thơ mượt mà ngân lên  bảng lảng giữa đại ngàn cao su miền Đông… Chị chắc có tác phẩm gì đặc biệt mà tôi nhận biết từ nụ cười của chị… Nhà thơ Thục Nguyên ít nói và sâu lắng. Anh quan tâm đến cái quy trình sản xuất, chắc là để dành cho một tác phẩm vừa ý… Đêm đêm anh thường ít ngủ, trằn trọc hỏi vì sao? Anh bảo vì vườn cao su, nhưng thật là do không có gối ôm… điều kiện quen thuộc của anh trong giấc ngủ… Nhà văn Trần Hòa Bình – thật trẻ trung, dịu dàng, cười mà e lệ.. ngại chụp hình chắc là sợ ông xã ghen… Bình nhấn sâu vào quá trình gắn bó của cây cao su với cuộc đời nhiều thế hệ của công nhân qua bao nhiêu thăng trầm để có được ngày nay. Chị có vẻ bí mật chắc là để dành cho tác phẩm… tôi hỏi chị chỉ cười… chị có việc công ty nên phải chia tay sớm với đoàn… Nhà thơ Xuân Trường ít nói, đắm mình trong không gian cao su và tình người miền Đông. Đêm giao lưu tại Nông trường Trần Văn Lưu – anh đã trình bày bài thơ viết vào trưa ngày 9/4/2013 tại Dầu Tiếng với tựa đề “Trưa Dầu Tiếng” có những câu gây xúc động cho người miền Đông như:
“…Đậu rồng, thịt luộc, mắm chua
Nắng trưa Dầu Tiếng chỉ vừa tiếng ve
Tim tôi loạn nhịp đây nè
Sao em yên lặng ngồi nghe gió cười”
Hoặc là
“Mùa này Dầu Tiếng vắng mưa
Cao su đan nắng vườn trưa đợi chờ…”
Người mà không thể không nhắc đến là nhà báo nhạc sĩ Quỳnh Lệ, “người nhà” của cao su – do vậy mà hoạt động của đoàn được thoải mái, xuyên suốt chuyến đi. Với sự chăm sóc cho đoàn chu đáo, với tâm tư dấn thân yêu đời yêu nghề, chị đã tạo ra không khí vui tươi cho cả đoàn. Và trong các buổi giao lưu, chị đã hát hết mình cho công nhân ở Phước Hòa, Đồng Phú nghe và làm nô nức không gian vườn cây di tích lịch sử của Dầu Tiếng… bằng bài hát “Đến với yêu thương” của chị. Chị cho biết, khởi nguồn là bài thơ chị viết khi lần đầu đến các nông trường cao su ở miền Đông, bài thơ đã đăng trên Báo Cao su VN từ năm 1983. Sau đó 20 năm, chị đã phổ thành nhạc (ca sĩ Hoàng Lan đã hát và thu hình trên nông trường cao su làm video clip). Và bây giờ, 2013 chị hát dưới tán cao su. Bài hát có ca từ mộc mạc thật thà nhưng giai điệu cất lên thì ngọt ngào tình cảm…
“… Ở thành phố, nghe “nông trường” ngỡ xa vời vợi. 
Nắng bụi mưa lầy gian khó biết bao…
Thuở anh xuyên rừng đội nắng dầm sương. 
Thuở anh lặn lội đi khai hoang mở đất.
Thuở anh trăn trở cùng người công nhân chân chất
Em chưa biết gì nên chẳng chút vấn vương…
Giờ “đêm nằm nghe chồi cao su ngậm sương
Ngan ngát nhựa non vườn ươm lai tháp”
Bỗng thấy thương bàn tay ai chai ráp
Vì những lo toan ấm áp cho đời…”
Mỗi người mỗi vẻ đã tạo ra môi trường sinh hoạt, thâm nhập thực tế sinh động, đoàn kết và thân tình. Thời gian ngắn mà ngồn ngộn thông tin và no nức tâm tư. Những bịn rịn trong chia tay với công nhân các Nông trường vẫn chưa bao giờ thấy nguội con tim và chưa bao giờ thỏa mãn. Hy vọng, qua cuộc vận động sáng tác này, ngành cao su sẽ có được nhiều tác phẩm ngang tầm một Tập đoàn kinh tế Nhà nước làm ăn có hiệu quả. Cảm ơn các đơn vị cao su đã ân cần tiếp đón đoàn lữ khách chúng tôi và cảm ơn cây cao su đã cống hiến trọn vẹn đời mình cho con người.
Thoại Miên
(Chuyến đi thực tế sáng tác miền Đông, 12/4/2013)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng nhận xét của bạn