PHẠM
KHẢI
(Chọn và Bình, nhân đọc bài thơ “Thăm Mộ chiều cuối năm” của Nhà
thơ Nguyễn Thái Sơn)
Một nén tâm hương thành
kính...
Vạt đồi yên nghỉ
bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ - biết làm sao...
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói
đừng quên nấm mộ nào!
Nhang trầm một thẻ - biết làm sao...
Thắp lên, đành cắm nơi đầu gió
Hương khói
đừng quên nấm mộ nào!
"Đời đời ghi nhớ công ơn các Anh hùng Liệt sĩ đã hy sinh vì độc lập,
tự do của Tổ quốc" - đó là dòng khẩu hiệu ta thường thấy ở bất kỳ một khu
nghĩa trang liệt sĩ nào.
Tôi đã đọc bài thơ "Viếng chồng" của nhà thơ Trần Ninh Hồ. Phải
nói, "Thăm mộ chiều cuối năm" của Nguyễn Thái Sơn có một điểm sáng
nhân văn rất gần bài thơ này. Người đàn bà từ nơi xa xôi lặn lội tìm viếng mộ
chồng. Khu rừng chỉ có hai ngôi mộ: mộ anh và mộ người đồng đội. Và chị đã đặt
bó hoa đó lên mộ người không phải ruột thịt, với một lý do thật cao cả:
"Viếng mộ anh có chị đến đây rồi".Đó là một trong muôn vàn nghĩa cử
góp phần làm cho dòng khẩu hiệu trên thêm xác tín.
Bài thơ của Nguyễn Thái Sơn tuy khác hướng ứng xử nhưng cùng xuất phát từ
một cách nhìn, cách nghĩ, một nỗi lòng. Ở đây, vấn đề không còn là 1 cộng 1
chia 2 (người, hoa và 2 ngôi mộ) nữa, mà là số một đối lập với số nhiều:
Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội
Nhang trầm một thẻ...
Nhang trầm một thẻ...
Với một thẻ nhang, làm sao không để tủi phận những người nằm dưới cỏ. Họ
đã từng gắn bó với nhau, chung nhau cái sống, giống nhau cái chết. Thắp cho ai
thì cũng chẳng đành, chi bằng (chao ôi, người ta vẫn nói che gió thắp đèn, đằng
này...) - đành cắm nơi đầu gió, qua đó mà nhờ ngọn gió đưa hương khói chia xa
khắp vạt đồi, đến với từng ngôi mộ, làm ấm hồn người khuất và nhẹ lòng người
sống.
Chỉ một chi tiết này cũng đủ cho ta thấy tổn thất mà dân tộc mình phải
gánh chịu trong mấy cuộc chiến tranh vừa rồi nặng nề đến mức nào, và vết thương
ấy đến bao giờ mới gắn hàn cho xuể. Khói hương, khói hương mỏng mảnh,
"đi" hết được vạt đồi họa có biến thành khói bom!
Nhưng... nơi mà hương khói chưa qua, lòng
người đã đến. Thơ viết về bia mộ thường gợi cảm giác hoang lạnh, nhưng đọc bài
thơ, ta còn có thêm cảm giác ấm áp, bởi, nó đã làm bừng lên trong mỗi chúng ta
những nén tâm hương thành kính...
______________
TRẦN TRUNG
(Giảng viên Trường Đại
học Sư phạm Hà Nội)
Một nén Tâm Nhang
(…) Thăm mộ người thân - một ngày cuối năm, vốn là một lệ thường với những người
đang sống. Bởi, có lẽ sau một năm với bao lo toan việc đời, người ta muốn tìm đến
sự tĩnh tâm, thanh tịnh và an ủi trong sự giao lưu với những người đã ở cõi
vĩnh hằng.
“Thăm mộ chiều cuối năm (*) là một khúc tâm tình thơ mà Nguyễn Thái Sơn muốn gửi gắm cho đồng đội -
những người đã "yên nghỉ" và cả cho những người đang sống. Thăm mộ -
chiều - cuối năm; công việc ấy (thăm mộ) thời gian ấy (chiều) và thời điểm ấy
(cuối năm) ngỡ như dễ dàng tạo nên niềm cảm thông, giao hòa giữa hai cõi Âm
Dương đi về. Thế
mà...
Một tình huống khó xử:
Có một người lính đã
lặng lẽ đến đây - vạt đồi này, để lặng lẽ thăm lại “bao đồng đội" đã
"yên nghỉ” nơi đây. Tình thì quý nhưng “biết làm sao” khi trên tay chỉ có “nhang
trầm một thẻ” ? Một tình huống trớ trêu. Một tình huống khó xử. Cái vị trí được
xác định (vạt đồi) lại không thể thỏa mãn cho sự lý giải trước một số lượng
không xác định (bao đồng đội). Lại nữa, sự thành kính muốn gửi trong “nhang trầm
một thẻ” chỉ là cái hữu hạn đặt trước cái vô biên...
Vì thế, những tiếng
“biết làm sao" đặt ở cuối câu thơ thứ hai sao và băn khoăn, day dứt đến thế.
Nỗi băn khoăn, day dứt bởi sự đáp đền trước nợ tình đồng đội. Một nhà thơ khác
- Lâm Thị Mỹ Dạ trong “Bài thơ không năm tháng” cũng từng đau đớn khôn nguôi
trước sự mất mát:
“Cái
chết bao đồng đội
Là
vết - thương - thời gian”
Một giải pháp:
Sự mách bảo của lý
trí không phải lúc nào cũng sáng suốt. Mà, trong những tình huống éo le, nhiều
khi sự mách bảo của trái tim lại tạo nên giải pháp phù hợp, có ý nghĩa mà lại bất
ngờ nữa:
“Thắp lên đành cắm nơi đầu gió
Hương khói
đừng quên nấm mộ nào”
Ta nghe như trong lời thơ là lời tự nhủ. Hay cũng chính là lời khấn thầm
của người đồng đội còn sống nói với những người đồng đội đã ra đi - trong ráng
chiều sắp tắt - giữa nhấp nhô mộ chí và trong hương khói của thẻ nhang trầm
đang lan toả...
Một nén tâm nhang:
"Thăm mộ chiều cuối năm” là đối thoại hay độc thoại. Hai yếu tố đó
đâu có loại trừ nhau. Có lẽ, còn phải nói tới một tầng nghĩa nữa mà tự thân bài
thơ gợi ra. Đó là sự hoá thân. Phải chăng, khi người lính thầm mong “hương khói
đừng quên nấm mộ nào" thì, từ chính trong anh đã tự thắp lên một - nén –
tâm - nhang để đến với đồng đội trong niềm cảm thương, xa xót.
Một - nén - tâm - nhang thắp lên
và hòa trong hương khói giữa một chiều buồn nhớ...
NGUYỄN NGỌC PHÚ
THƠ VÀ LỜI BÌNH TRÊN BÁO
LÂM ĐỒNG
Thăm Mộ chiều cuối năm
(…) Nhà thơ Nguyễn Thái Sơn chọn thời điểm thăm
mộ đồng đội vào một chiều cuối năm. Thường, buổi chiều là lúc con người lắng
lại những nghĩ ngợi, tâm tư man mác buồn. Phút giao thời giữa ngày sang đêm,
giữa sáng sang tối, giữa động sang tĩnh. Cái ranh giới mong manh nhập hòa ấy
thường gợi cảm, dồn nén những trực cảm. Lại là chiều cuối năm, thời gian càng
nén lại, đời người sắp bước sang một tuổi mới. Cuối năm để nhìn lại cả một
chuỗi ngày đã sống. Lúc đứng trước nấm mộ bạn bè, đồng đội đã khuất, con người
được đối diện với mình, thanh lọc mình. Nhà thơ không nói quả đồi, đỉnh đồi,
sườn đồi mà “vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội”. “Vạt đồi” một sự chênh chao hẫng
hụt, thiếu vắng ngay trong tâm cảm của người đi viếng mộ nghiêng vát trong
chiều cuối năm. Những người lính quây quần bên nhau vẫn trong một đội ngũ, nằm
kín bức tượng đài bằng đất - chính mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc mà các anh
đã ngã xuống để bảo vệ bằng cả máu xương của mình và lại trở về trong lòng đất
mẹ trong đó có rất nhiều nấm mộ vô danh. Một tình huống xẩy ra “nhang trầm một
thẻ - biết làm sao” một sự lúng túng, xa xót trước cả một vạt nấm mồ đồng đội
mà trong tay mình chỉ có một thẻ nhang trầm. Một đối trọng nghiệt ngã của sự
thật chiến tranh mất mát, bi thương nằm ngoài sự hình dung của con người. Thời
gian như ngưng lại đến nghẹt thở khi chiều sắp muộn, một năm cũ sắp qua với một
người sống đối diện với bao đồng đội đã khuất. Câu thơ như nghẹn lại “nhang
trầm một thẻ - biết làm sao”. Một tiếng lòng, một tiếng kêu, một lời đồng vọng
và bất ngờ một ứng xử thật nhân văn: “Thắp lên đành cắm nơi đầu gió - Hương
khói đừng quên nấm mộ nào”. Gió hay hương hồn của địa linh núi sông, khói nhang
trầm hay là hơi ấm tâm linh dân tộc đang về với các anh trong giây phút thiêng
liêng này. Chúng ta - những người đọc - những người đang đồng hành với tác giả
nhẹ nhõm hẳn khi nhập vào làn khói hương trầm thơm ngát mỏng manh bay lên nơi
đầu gió, thấm vào từng ngọn cỏ, từng ngôi mộ. Chỉ một chữ “đành” thật ra là
tiếng thở dài trong câu thơ “thắp lên đành cắm nơi đầu gió” mà chứa chan bao
nghẹn ngào như người có lỗi trước vong linh các anh càng làm cho chúng ta -
những người đang sống phải sống tốt đẹp hơn để được cứu rỗi, để mong mỏi các
anh được siêu thoát bởi Tổ quốc, nhân dân “không quên nấm mộ nào”.
Bài thơ tứ tuyệt như một
câu chuyện nhỏ giàu chất điện ảnh chỉ gợi mà không tả, chỉ độc thoại mà ngân
vọng lay thức, chỉ mấy dòng thôi mà nói lên được cả tình cảm dồn nén để chạm
tới cái lõi nhân bản: tình đồng đội!
Theo Báo Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201107/Tham-mo-chieu-cuoi-nam-2062967/
TRƯƠNG
HỮU THIÊM
Đến với bài thơ hay
“Hương khói đừng quên nấm mộ nào”
Bài thơ được làm theo thể “Thất ngôn tứ tuyệt”, nhưng không hoàn toàn
theo nguyên tắc luật Đường thông thường, nghĩa là không có “bốn câu ba vần” như
vẫn thấy. Ngay từ cái tít 5 chữ giản dị, các tầng ý đã phát lộ: Đi thăm mộ, vào
một buổi chiều và là buổi chiều dịp cuối năm...
Theo phong tục người Việt, hàng năm vào
khoảng nửa cuối tháng Chạp, các gia đình thường đi tảo mộ. Lần tảo mộ này khác
với lần tảo mộ của: “Thanh minh trong tiết tháng ba // Lễ là tảo mộ,
hội là đạp thanh”. Không chỉ thắp nhang, mà các gia đình còn mang dụng cụ
ra phát cỏ, vun vén, sửa sang mộ phần những người quá cố trong gia tộc nhà
mình. Câu tục ngữ “mồ yên mả đẹp” hoặc “cao nấm ấm mồ”, phải chăng bắt nguồn từ
một mỹ tục được lưu truyền trong các phả hệ như vậy?
Tuy nhiên, cũng là “thăm mộ
chiều cuối năm”, nhưng Nguyễn Thái Sơn không thăm mộ người thân trong gia
đình, mà là thăm mộ của những người từng chung chiến hào đánh giặc. Ta không
thấy anh lúi húi phát cỏ, dọn cây, đắp đất hay thành kính bày mâm sắp lễ, thay
vào đó, ta “nghe” được từ tấm lòng thi nhân những tiếng ngân rất mực con người.
Không gian trong bài thơ là một “không gian nghiêng”, những ngôi mộ không phải
trong các nghĩa trang được xây dựng bề thế với những tháp chuông cao vút, mà ở
nơi “vạt đồi” chênh chao, hoang vắng. Vậy mà, chính nơi hoang
vắng, chênh chao này lại là chỗ đoàn tụ của “bao đồng đội”, sau
những tháng năm oai hùng đi qua cuộc chiến tranh vệ quốc.
Bất chợt, một “tình huống” xảy ra: Chỉ
có một thẻ nhang trong khi mộ thì nhiều. Trong hoàn cảnh ấy, tâm thức “mách”
cho lý trí một điều rất đơn giản, nhưng nên thơ và cả nên tình: Thắp nhang lên
rồi cắm nơi đầu gió. Đến đây, từ một bài thơ gợi nhiều hơn tả, bất chợt thủ pháp
chuyển sang một bài thơ tả nhiều hơn gợi. Như gieo vào lòng ta hình ảnh một
người loay hoay bật lửa (vì gió), loay hoay đốt nhang (cũng vì gió) nhưng không
cắm cho nấm mộ nào cụ thể, mà là “cắm nơi đầu gió”. Đây chính là
chi tiết có khả năng tạo ấn tượng mạnh với độc giả, dành cho phóng sự và hơn
thế, là chi tiết của những nghệ thuật tạo hình như kịch, như phim.
“Nhang trầm một thẻ biết làm sao”, không chỉ là một
câu thơ mà còn là một câu hỏi tu từ. Trong khó khăn có giải pháp tương ứng, đọc
câu: “Thắp lên đành cắm nơi đầu gió”, xin hãy chia sẻ và để tâm
nhiều hơn vào động từ“đành”. Chỉ một chữ thôi nhưng là một chữ thể hiện
tâm trạng day dứt, chấp nhận, trong hoàn cảnh không thể làm gì khác và nhất là
không thể làm gì hơn. Với câu: “Hương khói đừng quên nấm mộ nào!”,
ta như đọc được ở đó một “thông điệp” về lẽ công bằng của lòng biết ơn (điều mà
không ít trường hợp chúng ta hay lạm dụng với một mỹ từ: Tri ân!). Trong thực
tế, ở nhiều nơi người ta chỉ chăm đến thăm những nghĩa trang gần. Hơn nữa, khi
thắp nhang, thường những ngôi mộ xa không được nhiều người quan tâm tới. Thành
ra cùng một nghĩa trang, trong khi ngôi mộ này nhang dập đi không hết, thì ngôi
mộ kia chỉ có mấy chân nhang liêu xiêu qua nắng qua mưa...
Nhân ngày Thương binh liệt sỹ, xin bình tặng bạn đọc Điện Biên Phủ bán
nguyệt san thi phẩm “Thăm mộ chiều cuối năm” của nhà thơ
Nguyễn Thái Sơn. Theo thiển ý chúng tôi - “Hương khói đừng quên nấm mộ
nào!” - việc thắp nhang cho đều, cho đủ chính là nội dung cốt lõi của
bài thơ “Thăm mộ chiều cuối năm”. Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thái Sơn.
Bài thơ ngắn nhưng tình thì dài, ý thì sâu và khiến lòng ta như chùng xuống,
như se lại, buộc phải soi xem có lần nào mình vào nghĩa trang nhưng chỉ thắp
nhang cho những ngôi mộ gần? Người ta bảo “dương sao âm vậy”, với người đã
khuất và đặc biệt đấy lại là những chiến sỹ hy sinh cho tự do độc lập, thì nơi
chín suối họ cảm được hết lòng dạ dương gian. Và bây giờ, trong cảm xúc ấy, hãy
“đốt cháy” bài thơ “Thăm mộ chiều cuối năm”, nhưng xin chia ra để
“cắm đều” cho tất cả các ngôi mộ...
10:07,
31/07/2012
TheoBáo
Điện Biên Phủ: http://www.baodienbienphu.com.vn/v%C4%83n-h%C3%B3a/%E2%80%9Ch%C6%B0%C6%A1ng-kh%C3%B3i-%C4%91%E1%BB%ABng-qu%C3%AAn-n%E1%BA%A5m-m%E1%BB%99-n%C3%A0o%E2%80%9D
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét của bạn