Sáng hôm qua 24 - 6 - 2009, tôi đang ngồi ở phòng bên thì ông Hàn
Tấn Quang, Chủ bút Tạp chí Kiến thức Ngày nay cho người mời sang phòng của ông
để gặp Nhà văn Nguyễn Quang Sáng vừa đến chơi. Ông Sáng cho tôi quyển Nhà
văn về làng - tập kí của ông do Nhà Xuất bản Văn Nghệ phát hành trong năm
2008. Vừa kí tặng sách ông vừa nói “nhuận bút...”. Tôi cướp lời “được anh cho
sách là quý rồi, em không quan tâm đến nhuận bút”. Chả là, ở cuối tập sách này
có in hai bài viết về ông, mà một bài là của tôi. Bài này đã in ở vài tờ báo,
tạp chí nhưng chưa từng được in đầy đủ, không bị cắt đoạn này thì cũng
xén khúc kia (vì bị chê là hơi dài). Khổ vậy....
I. MẤY CHỤC NĂM TRƯỚC, vừa đến Sài Gòn, tôi hỏi nhà văn X “ ông Sáng thế nào”, đáp “chịu chơi, chơi đuợc”. Chịu chơi là không xa lạ bất kể những gì thuộc về con nguời. Còn chơi được, để rồi xem ! Cuối 1988 đầu năm 1989, biết tôi muốn chuyển ngành khỏi quân đội, chị Phan Thúc Mộng Loan khuyên nên chuyển về Tạp chí Văn, nơi chồng chị là Nhà văn Anh Đức làm Tổng biên tập, vừa mới ra số đầu tiên, đang chuẩn bị tổ chức bản thảo cho số hai.
I. MẤY CHỤC NĂM TRƯỚC, vừa đến Sài Gòn, tôi hỏi nhà văn X “ ông Sáng thế nào”, đáp “chịu chơi, chơi đuợc”. Chịu chơi là không xa lạ bất kể những gì thuộc về con nguời. Còn chơi được, để rồi xem ! Cuối 1988 đầu năm 1989, biết tôi muốn chuyển ngành khỏi quân đội, chị Phan Thúc Mộng Loan khuyên nên chuyển về Tạp chí Văn, nơi chồng chị là Nhà văn Anh Đức làm Tổng biên tập, vừa mới ra số đầu tiên, đang chuẩn bị tổ chức bản thảo cho số hai.
Tôi mặc đồ lính đến gặp ông Tổng Thư kí Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh Nguyễn Quang Sáng, rụt rè đưa ông lá đơn xin việc, lí lịch quân nhân và tập thơ Muộn xuất bản trước đó nửa năm. Chắc hẳn đã nghe ông Anh Đức nói nên khi tôi đến, ngoài ba tiếng “ngồi mầy” lúc mới gặp và “ờ” khi tôi chào ra về, ông Sáng không nói gì thêm. Nhìn lướt đơn xin việc khoảng mười lăm giây, lí lịch ngót ba chục giây, lật vài trang thơ ngó qua chừng năm bẩy phút, nhìn tôi chằm chặp lạnh lùng đến phát khiếp, rồi ông rút bút kí cái roẹt vào tờ “công văn tiếp nhận” tôi đánh máy sẵn. Sau này nghĩ lại tôi thường buồn cười bởi sự ngây ngô ấu trĩ của mình. Ở nước ta, cái sự xin việc làm xưa nay vốn cực kì khó khăn và đặc biệt “nhạy cảm”. Cử nhân tốt nghiệp loại ưu, bác sĩ y khoa mới ra trường muốn xin việc làm hả, “cứ đợi đấy”, xin mười nơi chưa chắc đã có một nơi nhận, bởi thế có một thời dân gian đã từng thuộc lòng những câu “thơ” đại loại như “đầu đường bác sĩ bơm xe, cuối đường trung tá (chuyển ngành) bán chè đậu đen”. Ấy vậy mà tôi lại “không giống mọi người”, ai đời đi xin việc lại soạn sẵn “công văn tiếp nhận” bao giờ.
Toà soạn Tạp chí Văn và phòng của Tổng thư kí Nguyễn Quang Sáng cùng
trên tầng hai của trụ sở Hội ở 81 Trần Quốc Thảo nên trong thời gian làm việc ở
Văn gần như ngày nào tôi cũng gặp ông, đôi lần cùng ông uống càphê, mời ông hút thuốc lá ba số - không phải thuốc 555 mà là thuốc 304 (ba
mươi tháng tư). Tháng 4/1990 tôi chuyển về làm “đại diện” rồi được
“thăng” truởng chi nhánh phía Nam một nhà xuất bản trung ương, để rồi trong
suốt hai chục năm qua, và có lẽ còn nhiều năm nữa, càng
ngày càng thấy xót xa hối tiếc vì sự vội vã dại dột ấy, và luôn nặng nề bởi mặc
cảm về sự phản trắc của mình với Tạp chí Văn, với vợ chồng Nhà văn Anh Đức, với
ông Nguyễn Quang Sáng…
Trong dịp Đại hội Nhà văn Việt Nam vào khoảng giữa Thập kỉ Chín mươi, ông Sáng
và tôi cùng ở trong Nhà khách 37 Hùng Vương ở Hà Nội (Nhà khách Chính phủ. Kinh). Tối ấy tôi đang tiếp Nhà thơ Phạm Khải và mấy
“cháu” học viên Trường Viết văn Nguyễn Du thì ông Sáng đến. Đứng ngay
cửa ông nói “buồn quá, tao với mầy đi chơi”, hỏi
đi đâu, ông nói tỉnh queo “bia ôm”. Tổng thư kí hội nhà văn địa phương, phó tổng thư kí hội nhà văn cả
nước nhưng ông nói cái chuyện bia bọt ôm ấp chẳng e dè gì, chứ không như một số
quan chức cỡ “trung cao”, vì những nguyên cớ khác nhau tôi đuợc họ mời (hoặc
phải mời họ) đi hát “cara” trong những phòng kín, cứ thầm thì lén lút, trước khi
chia tay dặn đi dặn lại “chớ có hở ra mà mất…ghế” - đương nhiên là ghế của họ, chứ "ghế" mình là ghế nhựa bán đầy đường. Thực ra, so với đủ thứ tội thứ tật của giới
“đầy tớ dân” ở nước ta thì
cái sự bia ôm chỉ như là
hạt bụi bám trên lưng trâu, mà họ đã giấu giếm đến thế, lạ nhưng cũng chẳng lạ. Các bậc danh sĩ nho gia nức tiếng khét tiếng như cụ Nguyễn Công Trứ, cụ Tản Đà,
cụ Đầu Tố, cụ Nguyễn Tuân, và có thể cả “cụ” Vũ Trọng Phụng nữa, nào có lạ
lẫm gì cái thú vừa uống rượu - ngày ấy chưa có bia - vừa nghe các đào nương hát ca trù, ả đào "hồng hồng tuyết tuyết". Cũng nhờ đi hát cô đầu mà Nhà thơ Tú Xương viết được bài lục bát "Mất ô" thậm
hay, có những câu “hỏi em em cứ ỡm ờ chẳng thưa/ rồi đây nắng sớm chiều mưa/
lấy gì đi sớm về trưa với tình”.
Mất xe máy, nhờ vậy mà viết được bài thơ "Mất xe", chỉ cần được bằng một góc của "Mất ô", cũng hả.
Phải nói ngay rằng cuộc bia ôm đêm đó với ông Sáng khiến
tôi thất vọng. Chọn được quán ưng ý ở Khâm Thiên, vừa xuống xe đã thấy hai cô
gái xông ra tận cửa “chúng em mời hai anh”. Ông Sáng nói liền “chỉ một anh, tao
là…ba”. Các cô mời lên gác, ông phẩy tay “ngồi dưới trệt”, “em tắt bớt đèn cho
đỡ…chói mắt” - “khỏi”. Trời ạ, "đi Khâm Thiên" mà ngồi ngay cạnh quầy lễ tân, lại để đèn sáng thì uổng tiền, thà cứ
vào căntin ngay nơi đang ở là Nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương cho rẻ, lại khỏe. Tôi kéo tay cô tiếp viên “già” ngồi
cạnh, kính nhường bậc đàn anh cô gái sắc nước mỏng mày hay hạt hơn. Bên kia bàn “ba ba con con”,
hỏi đáp về giá cả nắng mưa, về nếp sống ở Hà Nội theo kiểu thu thập tư liệu để
viết truyện, liếc qua vẫn đếm đủ cả bốn bàn tay nên bên này bàn dù có “tay
ải tay ai” cũng vẫn phải cố quên đi câu hát xúi dục “gặp nhau trên đỉnh Trường Sơn”. Mất cả thú!
Chưa đầy hai tiếng đồng hồ ông Sáng đã gọi lễ tân tính tiền rồi bảo “tao đi chợ,
boa con gái, mầy boa…bà xã”. Ông trả tiền bia, mồi nhậu và ấn vào tay “con gái” tờ năm chục ngàn. Ở
Hà Nội thời điểm đó mức này cao gấp hai lần giá chuẩn. Bấm bụng noi theo, tôi
cũng phải kẹp một mớ tiền lẻ giữa ba tờ mười ngàn biếu “bà xã”.
Thời gian còn lại của đại hội nhà văn, nhiều người nhìn ông Sáng nhìn tôi với
ánh mắt đáng ngờ, ông Sáng còn “mo phú” thì tôi là cái đinh gì mà bận lòng!
II.
Xem ra Nhà văn Nguyễn Quang Sáng ít thân thiết vồ vập
các quan chức có cỡ, bạn thân của ông thường là văn nghệ sĩ như Đạo diễn Hồng Sến, Nhạc sĩ Trịnh
Công Sơn, Nhà thơ Diệp Minh Tuyền…Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ Tư cuối Thập niên Tám mươi,
trúng vào ban chấp hành với số phiếu cao nhất nhưng Nguyễn Quang Sáng chỉ nhận
làm “phó tổng” chứ không chịu làm Tổng Thư kí. Hỏi, ông bảo “tao ham vui, ở Sài
Gòn quen chỗ chơi chỗ nhậu, làm "tổng" phải ra Hà Nội ở, không hạp”. Dịp Tết Qúi
Mùi 2003, tôi xáo lại chuyện này, được ông trả lời có vẻ thực lòng: “Bắc là đất
văn chương, lãnh đạo Hội các anh ngoài đó làm thạo hơn”. Tôi quyết đi tới cùng
“nhưng xem ra anh cũng không ham”, ông lúng túng “ ờ ờ…vậy hả…ờ…” rồi phá vây
bằng cách nhất định chuyển qua chuyện khác. Tôi cười thầm nghĩ thầm “bác ra kinh kì làm
lớn, chẳng biết rồi sẽ ăn mặc ra sao vào mùa lạnh, hay khi phải làm chủ tế các
lễ lạt hoành tráng có các đại thần cỡ tứ
trụ ngũ cột đến theo dõi chỉ đạo”. Những lần được gọi ra họp hành ở Thăng Long giữa
tiết đại hàn, hay dự các đại lễ chưa bao giờ thấy ông chịu
bận “đồ lớn” - complê. Đưa cà vạt nài nỉ "quàng đại vào cho đẹp ti vi đẹp trang báo" ông bảo nghẹt cổ. Chẳng phải bây giờ mà
từ hơn nửa thế kỉ trước ông đã có tiếng là “ngang”.
Để khỏi bị "các thế lực thù địch xuyên tạc vu cáo miền Bắc xâm nhập miền Nam",
mỗi khi vượt Trường Sơn mọi quân nhân, công chức, văn
nghệ sĩ đều phải để lại tất cả giấy tờ, thay tên đổi họ, riêng ông Sáng nhất quyết không tuân thủ, chỉ chịu bỏ khúc giữa, thành Nguyễn Sáng.
Nguyễn Quang Sáng được nhiều người viết trẻ xếp
vào ngạch sư phụ. Vuông chiếu lá dừa lá đệm dành cho các tiên chỉ văn bút đương
đại phía Nam có chỗ dành cho ông, ở góc, ngoài cạnh hay giữa chiếu, chẳng ai
dại dột xác định làm gì; và ông có ngồi vào chiếu hay lại thích đập chân ngồi
trên đám cỏ xanh, cũng khó mà biết. Để viết thành công một tác phẩm, ông cho
rằng phải có đủ ba yếu tố, là chủ đề, bố cục, chi tiết. Chẳng cứ ở xứ ta mà
trên cả hành tinh, quanh đi quẩn lại chủ đề cũng chỉ là chiến tranh - hòa bình,
yêu - ghét, cao thượng - thấp hèn, trung thành - phản trắc…Hiểu kĩ về chủ đề
nào thì viết, chủ đề nào không am tường thì tránh né, đó là quyền của nhà văn ở
mọi thời. Trong các sáng tác đã in, xem ra ông chú trọng nhiều đến bố cục, chi
tiết. Cứ ngỡ chỉ trong nghệ thuật tạo hình, xếp đặt, bố cục mới là yếu tố quyết
định sự thành bại của tác phẩm, nào hay, trong sáng tác văn học, Nguyễn Quang
Sáng cũng rất tâm đắc với ngón nghề này, khi có nhà phê bình gọi mình là người "chơi bố cục", không thấy ông phản đối. Ông cho rằng “truyện dài, nếu bố cục khéo
nó sẽ trở nên ngắn gọn. Ngược lại, nếu bố cục kém truyện ngắn sẽ dài lê thê,
đọc dễ chán. Đồng thời, một chuyện hay phải bố cục sao cho hấp dẫn người đọc từ
đầu đến cuối”. Trong tác phẩm văn học, so với bố cục, sự cao thấp trong nghệ
thuật chọn và sử lí chi tiết xem ra dễ nhận biết hơn. Một bản thảo có chủ đề,
chi tiết tốt, nếu bố cục dở biên tập viên ở các nhà xuất bản, toa soạn báo, tạp chí có
thể giúp, cũng đỡ được phần nào, người biên tập giỏi thậm chí còn có thể làm
thay đổi diện mạo tác phẩm; nhưng một khi chi tiết đã nghèo nàn nhàm cũ thì dù
bố cục thế nào tác phẩm cũng không thể “đứng” được, nhà văn chỉ còn cách viết
lại, hoặc bỏ đi viết cái khác. Ông cho rằng văn học là sự tổng hợp các chi
tiết, và trong đời sống chi tiết tự nó nẩy sinh, không ai có thể
sáng tác được, “nhà văn phải nắm bắt các chi tiết để làm một trong những cái
vốn của văn học”.
Viết về chiến tranh giai đoạn trước 1975, ông
có những chi tiết sống động mà chỉ những người trong cuộc mới có thể phát hiện. Tắm giặt ở sông không để nước gợn sóng, chú gà
trống “ngứa cổ” không được phép gáy…Một trong những chi tiết điển hình của ông có thể thấy rõ ở truyện
phim "Cánh đồng hoang", mỗi lần máy bay trực thăng nhào xuống bắn, người đàn ông
lại túm chặt miệng túi nilông, bên trong có đứa con nhỏ, dìm xuống nước để
tránh đạn. Chỉ mấy chi tiết vừa nêu cũng
đã có thể giúp người đọc, đặc biệt là độc giả ngoài nước, thấy được sự khốc
liệt của chiến tranh Việt Nam trong thập niên sáu - bảy mươi, mà trước đó,
trong cuộc Kháng chiến Chín năm, không thể hình dung, tưởng tượng.
Bàn về chi tiết, có lần ông nói “nếu không có chi tiết truyện sẽ không thành
truyện, mà như một đề cương, rất đại khái”. Nói đến nghệ thuật sử dụng chi tiết
của Nguyễn Quang Sáng, tôi chợt nhớ đến đoạn kết trong phim "Cánh đồng
hoang", với hình
ảnh người phụ nữ Việt Nam ôm đứa con nhỏ, không hả hê nhìn chiếc máy bay trực
thăng cháy, cạnh đó là xác người phi công Mỹ vừa giết chồng mình, mà lại chăm chú
nhìn tấm ảnh có hình người phụ nữ trẻ ôm con, rơi từ ngực viên phi công nhà nghề, rồi hướng cái nhìn xa ngút ngát về phía
chân trời. Những người đàn ông, trụ cột không thể thay thế của hai gia đình nhỏ
cách nhau nửa vòng trái đất, giết lẫn nhau xác còn nằm đó. Đành vậy. Nhưng
với hai người phụ nữ chết chồng, hai đưa trẻ mất cha, còn phân biệt làm gì nữa
khi chiến tranh đã dồn đẩy họ vào cùng một cảnh ngộ. Nhân văn nhân bản vậy
nhưng khi còn sống có lần Đạo diễn Hồng Sến cho biết, một cán bộ lãnh đạo có cỡ
bảo để vậy là “mất lập trường”, cần phải sửa theo hướng...người phụ nữ Nam bộ ôm chặt con, dáng vươn cao, đi giữa trùng điệp những
đoàn quân giải phóng đang xông lên bắt quân thù trả nợ máu, hậu cảnh là những
đồn giặc, phi trường, bến cảng nổ tung cháy rực trời…Cũng may là ông Sến ông
Sáng đã liều lĩnh không chấp
hành!
Nguyễn Quang Sáng nói rằng từ nhỏ tới lớn ông
chưa từng mơ tưởng thành nhà văn, rằng đến với nghiệp này chỉ là ngẫu nhiên.
Ông viết văn không phải do ảnh hưởng từ Lê Vĩnh Hòa, người bạn ngồi cùng bàn,
đã bộc lộ năng khiếu văn chương ngay từ khi còn học ở Trường Trung học kháng
chiến Nguyễn Văn Tố như một vài người đã
viết,
mà do tác động trực tiếp từ cô Tư, tín đồ Hoà Hảo chán đời đi tu trên núi,
người đã từng rút kiếm chống trả con voi điên. Từ những chuyện đời
người nữ tu này kể, kết hợp với sự sống dậy của những kỉ niệm về một làng quê
theo đạo Hoà Hảo, trong ông đã hình thành những phác thảo chính cho một chuyện
dài. Nguyễn Quang Sáng hì hục viết được ba trăm trang, và đây mới chính là tác
phẩm đầu tay, nhưng viết đi viết lại nên đến năm 1962 mới in thành tiểu thuyết "Đất lửa", trở thành đầu sách được đánh giá cao nhất trong “chùm” tiểu thuyết của
ông: Đất lửa, Nhật kí người ở lại, Mùa gió chướng, Dòng sông thơ ấu… Tác phẩm
“trình làng” của Nguyễn Quang Sáng là truyện ngắn "Con chim vàng" in năm 1957,
đuợc dư luận văn học đánh giá tốt và được dịch ra tiếng Pháp là sự cổ vũ để ông
viết tiếp một loạt chuyện khác, in thành tập "Người quê hương" trong năm 1958.
Từ những truyện vừa, tiểu thuyết như "Đất lửa", "Nhật kí người ở
lại" (1962), 'Cái áo thằng hình rơm", "Mùa gió chướng' (1975), 'Dòng sông thơ ấu' (1985)…; từ những truyện ngắn "Con chim vàng" (1957), "Chiếc lược ngà" (1968), "Bông
cẩm thạch" (1969), "Người con đi xa" (1977), "Bàn thờ tổ của một cô đào" (1985}, "25
truyện ngắn" (1985) đến những kịch bản phim, trong cả ba mảng ấy, tuy không là
tất cả, Nguyễn Quang Sáng đều
có những thành công, có thể nói ông đã ghi dấu ấn trong những trang viết, và
trong không ít trang viết, người đọc cũng có thể tìm thấy những dấu ấn của cuộc
sống, của lịch sử.
Viết về một nhà văn, dù chỉ là phác thảo chân
dung, tôi vẫn thường liệt kê những giải thưởng văn học của người ấy, nhưng với
ông Sáng, kể cho đủ thì dài dòng lắm. Giải thưởng lớn nhất ông giành được
chính là sự ghi nhận của đồng nghiệp, của bạn đọc. Sơn Nam, Nguyễn Quang Sáng
là hai trong số ít nhà văn am tường đất đai phong tục văn hoá và con ngườI vùng
đất phương Nam đến độ thấu đáo. Theo Tô Hoài thì văn Nguyễn Quang Sáng đặc
quánh chất Nam bộ, “không có cái nhàn nhạt chữ nghĩa dùng cho miền nào cũng
được”, còn theo ông Phan Đắc Lập thì “Nguyễn Quang Sáng có tài kể chuyện. Bằng
một lối văn mộc mạc, anh cứ thủ thỉ kể hết cuộc tình này đến cuộc tình khác như
một người nông dân Nam bộ kể chuyện đời xưa và chuyện tiếu lâm. Ấy vậy mà với
những trang viết mộc mạc này, Nguyễn Quang Sáng đã chạm tới những rung động vi nhiệm
của tình yêu”.
Sài gòn, 25/6/2009
Sài gòn, 25/6/2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Đăng nhận xét của bạn