15 tháng 11, 2012

KHOE KHOANG & NHẬN TỘI


nguyễn thái sơn

Mấy chục năm mặc áo lính, gọi cho sang là "khoác nhung y", Sơn hết cầm vô lăng lái xe Jil 157 ba cầu chở quân chở đạn chở cả...văn công ở Tây Trường Sơn, đến dậy lý thuyết xe máy tại Trường lái xe 967- Đoàn 559 và dậy Văn, Vật lý lớp 8, 9 cho bộ đội ở Đông Anh, Yên Lãng (cùng với các anh Phí Đình Cự ở Hải Hưng dậy môn Hoá học, Nguyễn Đức Côn ở Duy Tiên Hà Nam dậy Toán (Đức Côn sau này lên đến cấp Tướng. Sợ thật). Nhiều Anh hùng, Dũng sĩ ở miền Nam ra học tại Học viện Chính trị tại Đông Anh, Hà Nội - trong đó có cặp vợ chồng cả hai đều là Anh hùng Quân Giải phóng - "tranh thủ" học hết chương trình văn hoá cấp III trước khi đi học ở nước ngoài hoặc  học các trường đại học ở trong nước. Mình được gọi là "đồng chí thầy giáo Sơn". Hì...hì...


Ba năm lái xe "cam nhông nhà binh" trên đất Lào, mình không thể quên cô "Đào Chèo" Thuý Vinh người xã Văn Hoá - Kim Bảng Hà Nam và Ngọc Dung (Kiện Khê, Thanh Liêm) ở Đoàn Văn công Trường Sơn. Lấy cớ "cùng quê", Vinh "đòi" đoàn trưởng phân công ngồi xe mình để hành quân tiếp trên đất Lào. Mỗi xe chỉ chở một diễn viên để nếu có trúng bom, văn công không bị "xoá sổ". Xe mình thế quái nào lại bị công binh dẫn lối "lạc" vào đường 82, còn gọi là đường Quân Khu ở tỉnh Khâm Muộn. Rồi tắc đường. Rồi mắc võng dăng màn. Rồi nấu cơm hai ngày ba đêm ở giữa rừng già của xứ Vạn Tượng. "Anh hai mươi, em chưa đến hai mươi" - thơ của mình. Rồi. Rồi...
Một đêm vào đầu năm 1968, máy bay địch thả pháo sáng, đánh bom, bắn đạn 20mm trúng đội hình xe của Tiểu đoàn 102, người đồng đội “phụ lái” của mình hi sinh ngay trong ca bin khi xe đang chạy, mình chỉ bị mảnh bom nhỏ xíu làm gãy xương của "tay cầm đũa". Vết thương thuộc loại “muỗi đốt” ấy, bó bột ít lâu là lại lành lặn như thường, nhưng hình như có sự “nhầm lẫn ngọt ngào” chưa hẳn đã là vô tình, nên mấy “chị” bác sĩ, vài em y tá ở bệnh viện dã chiến “cố tình thêm bớt” gì đó ở hồ sơ thương tật, dẫn tới kết luận “gẫy xương tay phải không còn đủ tiêu chuẩn lái xe vận tải quân sự ở Trường Sơn”. Mình bị “đuổi cổ” về nước, chữa trị rồi đi học hết trường này đến lớp khác (học suốt đời mà vẫn dại dột vẫn ngu vẫn ngốc nghếch ngộc nghệch nên toàn được các anh, các đồng chí có cái đức là “không thèm học" lãnh đạo bảo ban. Sướng…).

Hết "vặn cổ ô tô" - theo cách nói của mấy "bọ" Quảng Bình, lại cầm phấn trắng, cầm máy ảnh cầm bút cầm đàn chứ không “được” cầm SÚNG. Bắn "bia", với 3 viên đạn, lần nào mình cũng được 30 hoặc 29 điểm chứ không bị điểm 28, trình độ "tác xạ” cỡ này mà “uýnh” nhau thật, chứ không chỉ đánh trận giả, sẽ dễ lập công lớn - bắn chết lắm “địch quân”, lại cũng mang trọng tội (giết nhiều người). Sau gần bốn chục tháng học ở Học viện Chính trị, ngày 18/12/1972 ra trường về phụ trách một đại đội đại bác 105mm, cứ ngỡ cứ tưởng phen này sẽ lập công - mang tội, vì một trái lựu pháo trăm lẻ năm li này nghe đâu có thể giết chết vài chục mạng người, nhưng kể từ đó sư đoàn Sơn phục vụ chỉ đóng quân quanh Hà Nội chẳng đánh đấm gì. Buồn nhưng cũng thật mừng. Cởi áo lính mặc áo công chức thì ba năm hai lần nằng nặc đòi từ chức: (Trưởng Chi nhánh NXB Lao Động tại phía Nam - đầu năm 2001, hơn hai năm sau từ nốt chức Thư kí Toà soạn Tạp chí Văn nghệ Công nhân, để chỉ làm...chuyên viên biên tập xoàng). Mình về hưu khá lâu rồi nhưng cho đến nay vẫn nhất định không nhận sổ hưu, khiến ban giám đốc cùng anh chị em ở Nhà Xuất bản Lao Động chín lần mười bận...hối thúc. Đến khổ cho nhà xuất bản gặp phải "lão Sơn hâm gàn dở".
Định hết năm 2015 sẽ nhận sổ hưu. Cứ sống như hàng triệu nông dân đã "được" thu hồi sạch sành sanh ruộng đất cái đã. Vội gì…


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đăng nhận xét của bạn